Thông Tư Số 01/2012/TT-BTNMT - Đề Án Bảo Vệ Môi Trường
Để xem thêm thông tin liên quan tại: công ty môi trường, ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường
Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường : Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
______________
Số: 01/2012/TT-BTNMT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________________
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2012
THÔNG TƯ
Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra,
xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết;
lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản
_______________
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 và Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUY ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết về lập, thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết; kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo khoản 6 Điều 39 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 29/2011/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết; kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
Chương II
LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT
ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHI TIẾT
Điều 3. Cơ sở phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Cơ sở phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết (sau đây gọi là Cơ sở) có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, gồm:
a) Cơ sở không có một trong các văn bản sau: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường;
b) Cơ sở đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi cải tạo, mở rộng, nâng công suất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (trước ngày Nghị định số 29/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) hoặc thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP) nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung hoặc quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mà hiện tại đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng, nâng công suất;
c) Cơ sở đã có quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường, khi cải tạo, mở rộng, nâng công suất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mà hiện tại đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng, nâng công suất;
d) Cơ sở đã có một trong các văn bản: Giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường,giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung, văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, khi cải tạo, mở rộng, nâng công suất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mà hiện tại đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng, nâng công suất;
đ) Cơ sở đã có quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết, khi cải tạo, mở rộng, nâng công suất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mà hiện tại đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng, nâng công suất;
e) Cơ sở đã khởi công và đang trong giai đoạn chuẩn bị (chuẩn bị mặt bằng), đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị và đang trong giai đoạn thi công xây dựng nhưng chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
2. Chủ cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết quy định tại Thông tư này và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Điều 4. Quy trình lập, thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết
Lập, thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thực hiện theo quy trình tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này, gồm các bước sau đây:
1. Chủ cơ sở quy định tại Điều 3 Thông tư này lập, gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.
2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giao cơ quan thường trực thẩm định quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này tiến hành xem xét hồ sơ. Trường hợp nội dung hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này thì có văn bản thông báo chủ cơ sở để hoàn thiện.
3. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thẩm định, cơ quan thường trực thẩm định tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường của cơ sở. Trường hợp cần thiết, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, chuyên gia.
4. Cơ quan thường trực thẩm định tổng hợp, xử lý kết quả kiểm tra thực tế, ý kiến của cơ quan, chuyên gia và thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở về kết quả thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
5. Chủ cơ sở thực hiện đúng các yêu cầu của thông báo kết quả thẩm định.
6. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt xem xét và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
7. Cơ quan thường trực thẩm định chứng thực và gửi đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã phê duyệt.
Điều 5. Lập, gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết
Chủ cơ sở thuộc đối tượng phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết có trách nhiệm:
1. Lập hoặc thuê tư vấn lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo cấu trúc và nội dung quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.
2. Gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp hồ sơ đề nghị thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:
a) Một (01) văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;
b) Năm (05) bản đề án bảo vệ môi trường chi tiết được đóng thành quyển, có bìa và trang phụ bìa theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này và một (01) bản được ghi trên đĩa CD;
c) Một trong các văn bản sau: dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ sở hoặc văn bản tương đương theo quy định của pháp luật về đầu tư (chỉ yêu cầu đối với cơ sở quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 Thông tư này).
Điều 6. Tham vấn ý kiến về đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Chủ cơ sở có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo tóm tắt những nội dung chính của đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở để xin ý kiến tham vấn.
2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản trả lời theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này. Quá thời hạn này, Ủy ban nhân dân cấp xã được tham vấn không có ý kiến bằng văn bản gửi chủ cơ sở thì được xem nhất trí với chủ cơ sở.
3. Trường hợp cần thiết, trước khi có văn bản trả lời, Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu chủ cơ sở phối hợp tổ chức cuộc họp với đại diện cộng đồng dân cư trong xã để trình bày, thảo luận, đối thoại về đề án bảo vệ môi trường chi tiết; chủ cơ sở có trách nhiệm đáp ứng theo yêu cầu.
4. Các trường hợp sau đây không phải xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường giai đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng và có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp quy hoạch ngành nghề đã đề ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đó;
b) Cơ sở nằm trên vùng biển chưa xác định cụ thể được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã;
c) Cơ sở có yếu tố bí mật an ninh, quốc phòng.
Điều 7. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết; cơ quan thường trực thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết được quy định như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, trừ các cơ sở có yếu tố bí mật an ninh, quốc phòng; thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở thuộc quyền quyết định, phê duyệt của mình;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở thuộc quyền quyết định, phê duyệt của mình và cơ sở khác được giao có yếu tố bí mật an ninh, quốc phòng;
c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở thuộc quyền quyết định, phê duyệt của mình, trừ các đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở trên địa bàn của mình, trừ các đối tượng quy định tại điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều này.
2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giao cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc làm cơ quan thường trực thẩm định trong việc tổ chức thẩm định và trình phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết (sau đây gọi tắt là Cơ quan thường trực thẩm định). Cơ quan thường trực thẩm định có trách nhiệm, quyền hạn sau:
a) Rà soát tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết;
b) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt về cách thức tổ chức thẩm định kèm theo dự thảo quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này và danh sách các cơ quan, chuyên gia lấy ý kiến (nếu có);
c) Tổ chức đoàn kiểm tra tại cơ sở theo quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; quyết định hoặc quyết định theo đề nghị của đoàn kiểm tra về việc đo đạc, lấy mẫu phân tích để kiểm chứng số liệu;
d) Thu thập các thông tin liên quan đến cơ sở và đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở để phục vụ cho việc thẩm định, phê duyệt; tổng hợp, xử lý ý kiến của các cơ quan, chuyên gia lấy ý kiến;
đ) Thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở về kết quả thẩm định và những yêu cầu liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết;
e) Tổ chức rà soát nội dung đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được chủ cơ sở hoàn chỉnh và gửi lại sau khi đã tổ chức thẩm định;
g) Dự thảo quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt xem xét, quyết định;
h) Tổ chức kiểm tra và báo cáo cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt xem xét xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở;
i) Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Điều 8. Thời hạn thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Tối đa bốn mươi lăm (45) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.
2. Tối đa ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Thời hạn thẩm định quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này không bao gồm thời gian mà chủ cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thường trực thẩm định trong quá trình thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
Điều 9. Thẩm định, hoàn chỉnh đề án; lập và thẩm định lại đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Kiểm tra hồ sơ: Trường hợp hồ sơ không đúng quy định, trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực thẩm định có văn bản thông báo cho chủ cơ sở để hoàn thiện. Trường hợp hồ sơ đúng quy định, cơ quan thường trực thẩm định tổ chức thẩm định theo theo quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều này.
2. Kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường của cơ sở:
a) Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của cơ sở theo quyết định thành lập đoàn kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
b) Trường hợp cần thiết, tổ chức việc đo đạc, lấy mẫu phân tích để kiểm chứng số liệu;
c) Lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này.
3. Tổng hợp, xử lý kết quả lấy ý kiến chuyên gia, cơ quan có liên quan đến đề án bảo vệ môi trường chi tiết đề nghị thẩm định, phê duyệt.
4. Thông báo kết quả thẩm định (chỉ một lần duy nhất):
Cơ quan thường trực thẩm định gửi văn bản thông báo kết quả thẩm định theo một (01) trong ba (03) trường hợp sau:
a) Đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung;
b) Đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung kèm theo yêu cầu cụ thể về việc chỉnh sửa, bổ sung;
c) Đề án bảo vệ môi trường chi tiết không được thông qua (nêu rõ lý do).
5. Sau khi nhận được thông báo kết quả thẩm định, chủ cơ sở có trách nhiệm:
a) Đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: Ký vào góc trái phía dưới từng trang của đề án, nhân bản và đóng quyển, có bìa và trang phụ bìa theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này với số lượng đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư này và gửi đến cơ quan thường trực thẩm định để xem xét, trình phê duyệt;
b) Đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thông qua với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung: Chỉnh sửa, bổ sung đề án theo yêu cầu và ký, nhân bản, đóng quyển theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này; gửi (chỉ một lần duy nhất) tất cả số lượng các bản đề án này và một (01) bản được ghi trên đĩa CD kèm theo văn bản giải trình về việc chỉnh sửa, bổ sung đề án đến cơ quan thường trực thẩm định để xem xét, trình phê duyệt;
c) Đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết không được thông qua: Lập lại đề án và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để thẩm định lại.
6. Lập và thẩm định lại đề án bảo vệ môi trường chi tiết:
a) Chủ cơ sở phải lập lại đề án bảo vệ môi trường chi tiết và gửi hồ sơ đề nghị thẩm định lại đề án theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;
b) Thời hạn, quy trình thẩm định lại được thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 8 Thông tư này.
Điều 10. Phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Thời hạn phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết:
a) Tối đa mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã hoàn chỉnh theo yêu cầu đối với cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP;
b) Tối đa là mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã hoàn chỉnh của chủ cơ sở đối với cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Thời hạn phê duyệt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này không bao gồm thời gian mà chủ cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc cơ quan thường trực thẩm định trong quá trình xem xét, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
2. Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Chứng thực và gửi đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Sau khi có quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết, cơ quan thường trực thẩm định phải chứng thực vào mặt sau của trang phụ bìa của đề án theo mẫu quy định tại Phụ lục 10a kèm theo Thông tư này.
2. Sau khi chứng thực, cơ quan thường trực thẩm định gửi và lưu đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo yêu cầu như sau:
a) Đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt: Gửi quyết định phê duyệt kèm theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã phê duyệt và chứng thực cho chủ cơ sở một (01) bản, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở một (01) bản, Bộ quản lý ngành một (01) bản, lưu một (01) bản;
b) Đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt: Việc gửi quyết định phê duyệt và đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thực hiện theo quy định riêng;
c) Đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt: Gửi quyết định phê duyệt kèm theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã phê duyệt và chứng thực cho chủ cơ sở một (01) bản, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở một (01) bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường một (01) bản, lưu một (01) bản;
d) Đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt: Gửi quyết định phê duyệt kèm theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã phê duyệt và chứng thực cho chủ cơ sở một (01) bản, Sở Tài nguyên và Môi trường một (01) bản, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở một (01) bản, lưu một (01) bản; gửi quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở mỗi nơi một (01) bản.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh sao lục quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi đến và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở.
Chương III
KIỂM TRA, XÁC NHẬN VIỆC THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHI TIẾT
Điều 12. Trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt.
2. Sau khi hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, chủ cơ sở lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết và gửi đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết để kiểm tra, xác nhận việc thực hiện. Hồ sơ gồm:
a) Một (01) văn bản đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 kèm theo Thông tư này;
b) Năm (05) báo cáo kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 kèm theo Thông tư này. Đối với cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 kèm theo Thông tư này. Đối với cơ sở hoạt động về thủy lợi, thủy điện có công trình hồ chứa thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 kèm theo Thông tư này.
3. Đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại, việc kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Điều 13. Trách nhiệm và thời hạn xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này có trách nhiệm:
a) Giao cơ quan thường trực thẩm định tổ chức xem xét hồ sơ, kiểm tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở;
b) Xem xét, cấp giấy xác nhận hoàn thành việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này (sau đây gọi là Giấy xác nhận hoàn thành).
2. Thời hạn cấp giấy xác nhận hoàn thành được quy định như sau:
a) Tối đa hai mươi lăm (25) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP;
b) Tối đa hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này;
c) Thời hạn xác nhận quy định tại điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian mà chủ cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thường trực thẩm định.
Điều 14. Kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết
1. Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực thẩm định có văn bản thông báo cho chủ cơ sở biết để hoàn chỉnh.
2. Trường hợp hồ sơ đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt có trách nhiệm ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 kèm theo Thông tư này theo đề nghị của cơ quan thường trực thẩm định.
3. Cơ quan thường trực thẩm định chịu trách nhiệm tổ chức đoàn kiểm tra các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường của cơ sở. Sau khi hoàn thành việc kiểm tra tại cơ sở, đoàn kiểm tra có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 kèm theo Thông tư này.
4. Căn cứ vào biên bản kiểm tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết của cơ sở và đề nghị của cơ quan thường trực thẩm định, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt xem xét, quyết định việc cấp giấy xác nhận hoàn thành theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 kèm theo Thông tư này.
Chương IV
LẬP VÀ ĐĂNG KÝ ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƠN GIẢN
Điều 15. Cơ sở phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản
1. Cơ sở phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, gồm:
a) Cơ sở không có một trong các văn bản sau: Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường;
b) Cơ sở đã có một trong các văn bản sau: Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, khi cải tạo, mở rộng, nâng công suất thuộc đối tượng phải lập bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung (trước ngày Nghị định số 29/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) hoặc thuộc đối tượng phải lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường (theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP) nhưng không có giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung hoặc văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường mà hiện tại đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng, nâng công suất;
c) Cơ sở đã có giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường, khi cải tạo, mở rộng, nâng công suất thuộc đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung (trước ngày Nghị định số 29/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) hoặc thuộc đối tượng phải lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường (theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP) nhưng không có giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung hoặc văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường mà hiện tại đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng, nâng công suất;
d) Cơ sở đã có giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản, khi cải tạo, mở rộng, nâng công suất thuộc đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường nhưng không có văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường mà hiện tại đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng, nâng công suất;
đ) Cơ sở đã khởi công và đang trong giai đoạn chuẩn bị (chuẩn bị mặt bằng), đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị và đang trong giai đoạn thi công xây dựng nhưng chưa có văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
2. Chủ cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản quy định tại Thông tư này và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để xem xét, xác nhận.
Điều 16. Quy trình lập, đăng ký và xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản
Lập, đăng ký và xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản được thực hiện theo quy trình tại Phụ lục 18 kèm theo Thông tư này, gồm các bước sau đây:
1. Chủ cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này lập và gửi hồ sơ đề nghị đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản quy định tại Điều 17 Thông tư này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho cơ quan thường trực đăng ký tiến hành xem xét hồ sơ. Trường hợp nội dung hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Phụ lục 19a, Phụ lục 19b kèm theo Thông tư này thì có văn bản thông báo chủ cơ sở để hoàn thiện.
3. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan thường trực đăng ký tiến hành xử lý hồ sơ. Trường hợp cần thiết, tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở và lấy ý kiến của cơ quan, chuyên gia.
4. Cơ quan thường trực đăng ký tổng hợp, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho chủ cơ sở (nếu có).
5. Chủ cơ sở thực hiện đúng các yêu cầu được thông báo (nếu có).
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
7. Cơ quan thường trực đăng ký chứng thực và gửi đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã xác nhận.
Điều 17. Lập, gửi hồ sơ đề nghị đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản
Chủ cơ sở thuộc đối tượng phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản có trách nhiệm:
1. Lập hoặc thuê tư vấn lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Cấu trúc và nội dung của đề án bảo vệ môi trường đơn giản được quy định như sau:
a) Đối với cơ sở thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư mà có tính chất quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định của danh mục tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Phụ lục 19a kèm theo Thông tư này;
b) Đối với cơ sở không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 19b kèm theo Thông tư này.
2. Gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở; trường hợp cơ sở nằm trên địa bàn của từ hai (02) đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, chủ cơ sở tự lựa chọn một (01) trong số đơn vị hành chính cấp huyện đó để gửi hồ sơ đăng ký; hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Một (01) văn bản của chủ cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 kèm theo Thông tư này;
b) Năm (05) bản đề án bảo vệ môi trường đơn giản được đóng quyển, có bìa và trang phụ bìa theo mẫu quy định tại Phụ lục 21 kèm theo Thông tư này; trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ cơ sở có trách nhiệm gửi bổ sung số lượng bản đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo yêu cầu.
Điều 18. Thẩm quyền, thời hạn xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản; cơ quan thường trực đăng ký
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức việc đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản và xem xét, cấp giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho chủ cơ sở (sau đây gọi là giấy xác nhận).
2. Thời hạn cấp giấy xác nhận:
a) Tối đa ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với đề án bảo vệ môi trường đơn giản của cơ sở nằm trên địa bàn của từ hai (02) đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
b) Tối đa hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với đề án bảo vệ môi trường đơn giản của cơ sở nằm trên địa bàn của một (01) đơn vị hành chính cấp huyện;
c) Thời hạn quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này không bao gồm thời gian mà chủ cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thường trực đăng ký trong quá trình xem xét hồ sơ.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của mình để giúp và làm thường trực trong việc tổ chức đăng ký, xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản (sau đây gọi là cơ quan thường trực đăng ký).
Điều 19. Xem xét, hoàn chỉnh hồ sơ, cấp giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản; lập và đăng ký lại đề án bảo vệ môi trường đơn giản
1. Kiểm tra hồ sơ: Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực đăng ký có văn bản thông báo cho chủ cơ sở biết để hoàn chỉnh. Trường hợp hồ sơ đúng quy định, cơ quan thường trực đăng ký tổ chức xem xét, đánh giá, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Xem xét, đánh giá đề án bảo vệ môi trường đơn giản: Cơ quan thường trực đăng ký tổ chức xem xét, đánh giá đề án; trường hợp cần thiết, tổ chức đoàn kiểm tra đến khảo sát, kiểm tra thực tế tại cơ sở, mời chuyên gia viết nhận xét về đề án, xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan (trường hợp địa điểm của cơ sở có nằm trên địa bàn của đơn vị hành chính cấp huyện khác) để đánh giá đề án; có văn bản thông báo cho chủ cơ sở biết một trong hai (02) trường hợp sau đây (chỉ một lần duy nhất):
a) Đề án bảo vệ môi trường đơn giản phải chỉnh sửa, bổ sung để được cấp giấy xác nhận đăng ký, kèm theo yêu cầu cụ thể về việc chỉnh sửa, bổ sung;
b) Đề án bảo vệ môi trường đơn giản không đủ điều kiện cấp giấy xác nhận đăng ký (nêu rõ lý do).
3. Đối với đề án bảo vệ môi trường đơn giản không phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc đã được chủ cơ sở chỉnh sửa bổ sung theo đúng yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 kèm theo Thông tư này.
4. Đối với đề án bảo vệ môi trường đơn giản không đủ điều kiện cấp giấy xác nhận đăng ký, chủ cơ sở có trách nhiệm lập lại đề án bảo vệ môi trường đơn giản và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để đăng ký lại theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 Thông tư này.
Điều 20. Chứng thực và gửi đề án bảo vệ môi trường đơn giản
1. Sau khi đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được đăng ký, cơ quan thường trực đăng ký chứng thực vào mặt sau của trang phụ bìa của đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo mẫu quy định tại Phụ lục 10b kèm theo Thông tư này.
2. Cơ quan thường trực đăng ký có trách nhiệm gửi và lưu đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã chứng thực theo yêu cầu như sau:
a) Trường hợp địa điểm của cơ sở nằm trên địa bàn của một (01) đơn vị hành chính cấp huyện: Gửi giấy xác nhận đăng ký kèm theo đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã chứng thực cho chủ cơ sở một (01) bản, Sở Tài nguyên và Môi trường một (01) bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm của cơ sở một (01) bản, lưu một (01) bản;
b) Trường hợp địa điểm của cơ sở nằm trên địa bàn của từ hai (02) đơn vị hành chính cấp huyện trở lên: Ngoài việc gửi và lưu như quy định tại điểm a khoản này, còn phải gửi giấy xác nhận đăng ký kèm theo đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã chứng thực cho Ủy ban nhân dân cấp huyện khác nơi có địa điểm của cơ sở mỗi nơi một (01) bản.
Điều 21. Trách nhiệm của chủ cơ sở sau khi đề án bảo vệ môi trường đơn giản được đăng ký
Sau khi đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được xác nhận, chủ cơ sở có trách nhiệm như sau:
1. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung của đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được đăng ký.
2. Trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành, cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này có thay đổi quy mô, công suất, công nghệ và các thay đổi khác có liên quan đến vấn đề môi trường mà phần nội dung cũ và phần nội dung thay đổi đó có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP thì chủ cơ sở phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường.
3. Trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành, cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này có thay đổi quy mô, công suất, công nghệ và phải lập dự án đầu tư tương đương với đối tượng quy định tại mục a khoản 1 Điều 17 của Thông tư này thì phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định tại Thông tư này.
4. Trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành, cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này có thay đổi quy mô, công suất, công nghệ và các thay đổi khác có liên quan đến vấn đề môi trường nhưng chưa đến mức phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện đã cấp giấy xác nhận đăng ký đề án và chỉ được thực hiện các thay đổi đó sau khi cơ quan này có văn bản chấp thuận.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với hồ sơ đề nghị phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa được phê duyệt hoặc xác nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trả lại hồ sơ, hướng dẫn chủ cơ sở lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản để gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc tổ chức đăng ký theo quy định tại Thông tư này.
Điều 23. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Môi trường là cơ quan thường trực thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ định cơ quan chuyên môn trực thuộc làm cơ quan thường trực thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết của mình và có hình thức thông báo rộng rãi trên phạm vi cả nước.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan thường trực thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết của mình và có hình thức thông báo phù hợp.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn trực thuộc làm cơ quan thường trực đăng ký của mình và có hình thức thông báo phù hợp.
5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; hoạt động đăng ký, xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và theo mẫu quy định tại các Phụ lục 23, 24, 25 kèm theo Thông tư này.
Điều 24. Điều khoản thi hành
1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện Thông tư này.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
______________
Số: 01/2012/TT-BTNMT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________________
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2012
|
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 5 năm 2012 và thay thế Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này có phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, PC, TCMT (40). HDuc 360.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Bùi Cách Tuyến
Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, PC, TCMT (40). HDuc 360.
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, PC, TCMT (40). HDuc 360.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Bùi Cách Tuyến
Tại sao nên chọn Công Ty Ensol?
Ensol đảm bảo chất lượng trên từng sản phẩm
Kết quả phân tích được sự chứng nhận của VILAS – Chứng nhận quốc tế
Hồ sơ được hoàn thành nhanh chóng
Giá cả hợp lý
Ensol đồng hành cùng Quý Công Ty tiếp đoàn kiểm tra và cùng Quý Công Ty giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh.
Hãy liên hệ công ty Ensol để được hỗ trợ và tư vấn miễn phí các vấn đề về môi trường
ENSOL Company
Make Your Life Better
Điện thoại : (84.8) 666 01778
Fax : (84.8) 625 84977
Hotline : (84) 091 718 6802
Email : info@ensol.vn
Website : www.ensol.vn I www.giaiphapmoitruong.vn
Không có nhận xét nào: